image banner
Những câu hỏi then chốt và giải đáp về chuyển đổi số (phần 3)
Lượt xem: 61

1. Chuyển đổi số thì gặp câu hỏi, làm cái gì trước, cái gì sau, cái gì thì hiệu quả, giá trị trường là bao nhiêu, ai làm thì tốt? Những việc này với tỉnh có thể là khó. Nhưng với Bộ TT&TT thì không. Bởi vậy, tỉnh hãy tham vấn Bộ.

Chọn việc gì để làm trước thì có một cách tiếp cận thế này, cái gì mà tỉnh thấy khó nhất, hay gọi là nỗi đau lớn nhất, vấn đề gì tồn tại lâu rồi, còn gọi là bài toán thiên niên kỷ, hoặc vấn đề gì đang nóng nhất, người dân đang bức xúc nhất thì mang ra để xem công nghệ số có giải quyết được không. Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số có lời giải đột phá cho rất nhiều vấn đề khó, vấn đề thiên niên kỷ. Thí dụ, xoá đói giảm nghèo, khoảng cách nông thôn và thành thị, phổ cập dịch vụ chất lượng cao cho vùng sâu vùng xa,...

2. Chi cho chuyển đổi số bao nhiêu thì phù hợp?

Mức trung bình mà các nước chi cho ứng dụng CNTT, cho chuyển đổi số là 1% ngân sách hàng năm. Mức cao là trên 2%. Cũng chưa thấy ai chi trên 4%. Trung bình của Việt Nam hiện nay đang là 0,3%. Vậy tỉnh hãy chi khoảng 1% ngân sách hàng năm. Nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là những năm đầu này cần làm ngay các nền tảng, thì có thể chi 2%.

3. Có cách nào để biết chi cho chuyển đổi số có hiệu quả hay không?

 Khi làm chuyển đổi số thì phải tính được giá trị do chuyển đổi số mang lại, thí dụ tiết kiệm lao động, giờ lao động, tiết kiệm chi phí thường xuyên, giá trị mới do chuyển đổi số mang lại. Những giá trị vô hình, dài hạn thì vẫn phải tìm cách lượng hoá. Giá trị tạo ra mà lớn hơn chi phí chuyển đổi số thì tức là hiệu quả. Chuyển đổi số không phải là một chi phi tăng thêm mà phải là một giá trị tăng thêm. Để tránh các tai nạn đã từng xảy ra trước đây với CNTT thì tỉnh luôn phải coi chi cho chuyển đổi số như một dự án đầu tư, phải luôn tính thu, chi. Dự án đầu tư phải dương thì mới đầu tư, mới cho làm.

Cũng có một cách làm mới là đặt ra bài toán để doanh nghiệp tìm lời giải. Thí dụ, Vũng Tàu mỗi năm có 16 triệu khách du lịch, trung bình mỗi người ở lại đây 1,1 ngày, rất ngắn. Nếu có một doanh nghiệp có cách để khách du lịch ở lại thêm 0,5 ngày, tức là tạo thêm 8 triệu ngày khách du lịch ở lại Vũng Tàu. Nếu giá trị tăng thêm mỗi người nhân với ngày là 500.000 đồng, thì giá trị tăng thêm mỗi năm là 4.000 tỷ đồng, tỉnh có thể trả cho doanh nghiệp 1% là 40 tỷ đồng/năm, hoặc 5% là 200 tỷ đồng/năm. Bài toán này đặt ra công khai thì chắc chắn sẽ có doanh nghiệp làm được. Tương tự như vậy, tỉnh có thể đặt ra các bài toán khác trên tinh thần này. Với cách làm này thì tỉnh có thể phát triển vượt bậc mà cũng tạo ra sự phát triển vượt bậc cho doanh nghiệp. Hai bên cùng thắng. Mà là thắng lớn. Bởi vậy mà thời chuyển đổi số có một công thức thành công là: việc gì mà mình thấy khó, làm mãi không được thì công khai bài toán, vấn đề của mình ra cho xã hội làm. Ở ngoài kia sẽ có ai đấy giải được.

4. Chuyển đổi số thì có tạo ra thất nghiệp không?

Lo lắng về mất việc đều đã xảy ra khi xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nhưng cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đều đã không tạo ra thất nghiệp, mà tỷ lệ thất nghiệp có xu thế giảm đi. Thất nghiệp tăng chủ yếu là do suy thoái kinh tế. Các cuộc cách mạng công nghiệp mới có làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới. Vấn đề là phải đào tạo lại cho người lao động. Nhưng chuyển đổi số lại có thể hỗ trợ tích cực cho đào tạo lại, cũng như tạo ra các công cụ, nền tảng để các nghề mới dễ học, dễ làm hơn. Chuyển đổi số sinh ra các đại học số, sinh ra các nền tảng đào tạo từ xa giúp cho việc đào tạo lại dễ dàng hơn, có thể học bất kỳ lúc nào, thực hành bất kỳ lúc nào, thi kiểm tra bất kỳ lúc nào, thông qua vật bất ly thân của chúng ta là điện thoại di động, iPad. Thí dụ, một nghề mới là nghề dán nhãn để dạy cho người máy học nhận dạng khuôn mặt. Có hàng tỷ tấm ảnh được đưa cho người lao động để họ phân biệt và dán nhãn nam nữ, già trẻ, béo gầy, người thành phố hay nông thôn,... Nghề này ngồi ở quê vẫn làm được qua mạng, đào tạo thì chỉ cần thông qua hướng dẫn trên mạng. Người ở quê không phải lên thành phố làm công nhân lắp ráp, may mặc mà vẫn ở quê làm nghề dán nhãn, chỉ cần có cái điện thoại, iPad hay PC và kết nối mạng. Đây là một thí dụ về nghề mới.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

anh tin bai

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Nam Hải - Nam Trực - Nam Định
Địa chỉ: Xã Nam Hải - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
Email: xanamhai.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang